Thoái hóa khớp | Phương pháp điều trị thoái hóa khớp

  • AF
  • Arthri - Flex

Các nguy cơ có thể gây bệnh thoái hóa khớp


Thoái hóa khớp là một bệnh phức tạp với đặc điểm chính của bệnh là tổn thương sụn khớp dẫn đến tổn thương toàn bộ cấu trúc khớp. Hiện nay, nguyên nhân chính xác của thoái hóa khớp vẫn chưa được xác định một cách rành mạch. Tuy nhiên, nhiều nghiên cứu trong thời gian qua đã phát hiện một số yếu tố nguy cơ có liên quan đến thoái hóa khớp. Những yếu tố này có thể chia thành 2 nhóm chính là các yếu tố có thể can thiệp và các yếu tố không thể can thiệp..

 

Thoái hóa khớp cao tuổi

Yếu tố nguy cơ không thể can thiệp

 

Tuổi và giới tính: Có ảnh hưởng quan trọng đến tần suất thoái hóa khớp trong cộng đồng. Cả tần suất và tỷ suất mới mắc của thoái hóa khớp đều tăng 2 đến 10 lần ở độ tuổi 65 so với độ tuổi 30 và tiếp tục tăng nhanh sau đó. Ở những người dưới 50 tuổi, nam bị thoái hóa khớp nhiều hơn nữ, nhưng sau 50 tuổi nữ bị nhiều hơn nam và ảnh hưởng chủ yếu ở các khớp gối, bàn tay.

Tiền căn gia đình và di truyền: Thoái hóa khớp là bệnh có tính di truyền, biểu hiện qua hiện tượng bệnh có tính cách gia đình. Ở bệnh nhân có thoái hóa nhiều khớp hay thoái hóa khớp toàn thân thì không tìm thấy ảnh hưởng của yếu tố di truyền mà chủ yếu liên quan đến yếu tố tuổi.

Yếu tố nguy cơ có thể can thiệp

Béo phì: Là một trong những yếu tố nguy cơ toàn thân có ảnh hưởng quan trọng đến tần suất và diễn biến của bệnh thoái hóa khớp. Các kết quả nghiên cứu dịch tễ đều cho thấy béo phì (BMI > 30kg/m2) có mối liên hệ mật thiết với thoái hóa khớp ở mọi vị trí khớp, ngay cả những khớp nhỏ như bàn tay, và ảnh hưởng này thấy rõ ở nữ hơn là ở nam. Người béo phì có nguy cơ bị thoái hóa khớp cao hơn người không béo phì. Đồng thời béo phì còn làm tăng độ nặng của bệnh, và giảm cân nặng sẽ làm giảm nguy cơ tiến triển của bệnh.


Hormone: Tần suất thoái hóa khớp tăng nhanh sau tuổi mãn kinh. Thiếu estrogen ở nữ có thể là một yếu tố nguy cơ thoái hóa khớp.

Dinh dưỡng: Người có nồng độ vitamin D trong máu thấp có nguy cơ bị thoái hóa khớp tại khớp gối, khớp háng, đồng thời tăng tần suất mới mắc cũng như tiến triển của bệnh. Người có nồng độ vitamin C cao ít có nguy cơ tiến triển của thoái hóa khớp so với người có nồng độ vitamin C thấp.



Nghề nghiệp: Một số nghiên cứu trước đây cho thấy có mối tương quan giữa yếu tố nghề nghiệp, sử dụng khớp quá mức với tần suất thoái hóa khớp. Nông dân có nguy cơ thoái hóa khớp háng cao gấp 2 lần so với tần suất trung bình trong dân số.

 



Khoảng 30% các trường hợp thoái hóa khớp gối là do hoạt động nghề nghiệp có liên quan đến động tác gập gối, ngồi xổm, leo trèo. Nếu kèm thêm yếu tố khiêng vác nặng (trên 25kg), nguy cơ thoái hóa khớp gối sẽ tăng gấp 5 lần. Ở nam, thoái hóa khớp gối gắn kết với hoạt động leo cầu thang, lắc chân. Ở nữ, thoái hóa khớp gối gắn liền với những hoạt động phải đứng nhiều, còn thoái hóa khớp bàn tay liên quan với hoạt đông lắc bàn tay.
Hoạt động thể lực hàng ngày quá mức là yếu tố nguy cơ của thoái hóa khớp gối, và nguy cơ này tỷ lệ thuận với cường độ, thời gian hoạt động. Nữ trẻ tuổi hoặc trên 50 tuổi, nếu hoạt động thể lực nhiều sẽ tăng nguy cơ thoái hóa khớp gối khi lớn tuổi.
Yếu tố tại chỗ như chấn thương được xác định là yếu tố nguy cơ của thoái hóa khớp gối. Tại khớp gối, chấn thương được ghi nhận rõ nhất là rách dây chằng và hư hại sụn chêm. Nếu chấn thương này xảy ra ở vận động viên sẽ làm tăng nguy cơ thoái hóa khớp ở người trẻ. Bên cạnh yếu tố chấn thương, dị dạng khớp gối cũng góp phần quan trọng làm tăng cả tần suất lẫn tiến triển của bệnh. Ngoài ra, các bệnh lý khớp viêm mãn tính như viêm khớp dạng thấp, gout cũng thúc đẩy nhanh quá trình thoái hoá khớp.