Thoái hóa khớp | Phương pháp điều trị thoái hóa khớp

  • AF
  • Arthri - Flex

Những khớp hay bị thoái hóa


Trong cơ thể chúng ta có rất nhiều vị trí khớp, nhưng do tính chất khác nhau nên có những khớp rất dễ bị thoái hóa. Vậy những khớp nào hay bị thoái hóa, nguyên nhân khiến chúng dễ bị thoái hóa là gì, chúng ta sẽ có được câu trả lời giải đáp cho những thắc mắc trên qua bài viết dưới đây.

 

Thoái hóa khớp

 

1. Đốt sống cổ

 

Thoái hóa đốt sống cổ là tình trạng thoái hóa gặp khá nhiều và nó không chỉ tập trung ở những người cao tuổi mà còn xuất hiện phổ biến ở cả những người trẻ. Ngoài nguyên nhân lão hóa gây nên thoái hóa đốt sống cổ ở người cao tuổi thì còn có những nguyên nhân khác gây nên chứng bệnh này ở người trẻ như do đặc thù công việc, do di truyền, hay vận động sai tư thế. Khi bị thoái hóa khớp cột sống cổ. Bệnh nhân sẽ có những biểu hiện chủ yếu bằng đau cổ, cử động cổ trong những vận động bình thường rất khó khăn. Có thể gây biến chứng đau vùng cổ và tay do chèn ép hoặc kích thích rễ thần kinh, gây cảm giác mỏi và đau gáy, lan đến cánh tay bên phía dây thần kinh bị ảnh hưởng.

 

2. Khớp gối

 

Thoái hóa khớp

 

Là khớp có cấu tạo phức tạp và chịu lực lớn nhất do phải nâng đỡ cơ thể nên khớp gối cũng là một trong những khớp nhanh bị thoái hóa. Nguyên nhân gây nên chứng thoái hóa khớp gối là do lão hóa hoặc là hậu quả sau chấn thương như gãy xương đùi, can lệch xương, tổn thương sụn chêm, do các bệnh lý nội tiết (đái tháo đường, cường giáp, cường cận giáp). Người bị thoái hóa khớp gối thường có cảm giác đau vùng khớp gối, lúc đầu đau nhẹ, đau chủ yếu về đêm hoặc khi đi lại. Bệnh tiến triển sẽ dẫn đến đau tăng lên ngay cả khi nghỉ ngơi, đôi khi còn có cảm giác cứng khớp khi không vận động. Khi cử động, đi lên xuống có tiếng lạo xạo trong khớp, khi ngồi xổm thì đứng dậy rất khó khăn, nhiều khi phải có chỗ tựa mới đứng dậy được. Bệnh nặng sẽ thấy tê chân, biến dạng khớp gối.

 

3. Cột sống thắt lưng

 

Thoái hóa khớp

 

Cột sống thắt lưng là hệ thống xương vô cùng quan trọng giúp nâng đỡ cơ thể chúng ta. Khi cột sống thắt lưng bị thoái hóa nó gây nên cảm giác đau đớn khó chịu, người bệnh bị hạn chế vận động vùng thắt lưng, gây giảm sức khỏe, nếu để tình trạng bệnh kéo dài không điều trị còn có thể dẫn đến hậu quả là tàn tật vĩnh viễn. Tuổi tác là nguyên nhân chủ yếu gây nên chứng thoái hóa cột sống thắt lưng. Theo thời gian tế bào sụn ở vùng cột sống mất dần đi khả năng tái tạo khiến các tế bào sụn bị giảm dần cho đến khi hết hẳn, kèm theo đó là sụn kém chất lượng dần theo tuổi tác, khả năng chịu lực và độ đàn hồi giảm. Ngoài ra, một số nguyên nhân dưới đây cũng có thể khiến thoái hóa cột sống thắt lưng:

 

  •    + Dị tật bẩm sinh khiến người bệnh bị vẹo, gù cột sống, gây ra sự thay đổi diện tích bị tỳ đè lên cột sống.
  •    + Cột sống bị biến dạng sau chấn thương
  •    + Thừa cân béo phì khiến vùng cột sống thắt lưng bị tổn thương.
  •    + Yếu tố di truyền khiến cơ thể lão hóa sớm hơn bình thường.
  •    + Yếu tố về nội tiết như bệnh tiểu đường, phụ nữ mãn kinh, sử dụng corticoid hoặc loãng xương.
  •    + Chuyển hóa từ bệnh Gout sang thoái hóa cột sống thắt lưng.

 

Thoái hóa cột sống thắt lưng trong giai đoạn đầu, bệnh nhân thấy đau lưng nhiều vào buổi sáng, sau sẽ kéo dài cả ngày, tăng khi làm việc nhiều và giảm khi nghỉ ngơi. Thoái hóa cột sống hay gặp từ đốt sống thắt lưng trở xuống, thường ảnh hưởng đến thần kinh tọa làm người bệnh có cảm giác đau từ lưng xuống.

 

4. Khớp háng

 

 

Cũng giống như các khớp khác, khớp háng cũng bị thoái hóa do nguyên nhân tuổi tác tuy nhiên tỷ lệ người trẻ bị thoái hóa khớp háng ngày càng tăng do bị chấn thương hoặc sinh hoạt không lành mạnh. Khi bị thoái hóa khớp háng ban đầu người người bệnh sẽ thấy những cơn đau xuất hiện từ bẹn lan xuống mặt đùi, có đau ở vùng mông lan xuống mặt sau của đùi. Cơn đau tăng lên khi đi lại nhiều, đứng ngồi quá lâu hoặc thay đổi tư thế. Thay đổi thời tiết có thể tăng cơn đau lên nhất là khi chuyển từ nóng sang lạnh. Mức độ đau tăng dần gây khó khăn khi đi lại và đến giai đoạn nặng, thoái hóa khớp háng có thể gây teo cơ ở mông và đùi, hẹp khe khớp, mọc gai xương, biến dạng khớp.